Tìm kiếm

Văn hóa - Thông tin

Văn hóa - Thông tin

Học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học Thành phố đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng Covid-19

 

Ủy ban nhân dân Thành phố ngày 8/4/2022 ban hành Công văn 680/UBND-VP về việc cho học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, khối lớp 6 THCS trên địa bàn Thành phố đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch Covid-19.

Học sinh Trường THCS Hợp Giang thực hiện các biện pháp phòng dịch khi đến trường.

Theo đó, thực hiện Công văn số 510/SGD&ĐT-VP ngày 6/4/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; căn cứ tình hình và cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố (cấp 2), để đảm bảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với mục tiêu kiên trì bảo đảm chất lượng giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng giao Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chuẩn bị các điều kiện đón học sinh đến trường học trực tiếp và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2021 - 2022 của các nhà trường. Tổng hợp và đôn đốc các cơ sở giáo dục báo cáo thường xuyên tình hình tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo quy định.

Từ ngày 13/4/2022, các cơ sở giáo dục tổ chức đón và dạy học trực tiếp tại trường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn Thành phố. Đối với giáo viên, học sinh hiện đang trong thời gian điều trị bệnh Covid-19 (F0) tại các trường học tiếp tục thực hiện cách ly y tế theo quy định và sẽ đến trường giảng dạy, đi học trở lại sau khi hoàn thành thời gian cách ly, điều trị bệnh có kết quả âm tính, tiếp tục thực hiện các biện pháp “5K” khi đến trường.

Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học khi học sinh trở lại trường học trực tiếp; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, giúp phụ huynh yên tâm khi cho học sinh mầm non vả tiểu học đi học trực tiếp.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn phòng, chống bạo lực học đường khi tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư vấn tâm lý kịp thời, hỗ trợ học sinh về thái độ, kỹ năng để sớm thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn trường học.

Đề nghị các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của con, em, khi thấy có các biểu hiện bất thường liên quan đến triệu chứng như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi…, chủ động thực hiện test nhanh để kiểm tra và báo cáo tình trạng sức khỏe với giáo viên chủ nhiệm. Quán triệt con em của mình trong quá trình đi học trực tiếp thực hiện nghiêm phương châm “Một cung đường, hai điểm đến” (Đi từ nhà đến thẳng trường học, kết thúc đi từ trường về nhà, hạn chế tối đa tập trung và tiếp xúc khác bên ngoài).

 
P.V

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đối thoại với thanh niên

 

Sáng 25/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên năm 2022 về chủ đề “Thanh niên Cao Bằng với khởi nghiệp, lập nghiệp”. Các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng Thị Kiều Oanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ; Hoàng Hồng Diệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên đồng chủ trì.

Dự hội nghị tại điểm cầu các huyện, Thành phố có lãnh đạo UBND các huyện, Thành đoàn, chủ tịch UBDN cấp xã, đoàn viên thanh niên tiêu biểu.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Thực hiện Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2021, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, hiếu học, dám nghĩ, dám làm, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều thanh niên có ý chí, nghị lực đi đầu xây dựng mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP, tham gia xuất khẩu lao động ở các khu công nghiệp vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng... Toàn tỉnh có 161 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ; đoàn thanh niên tỉnh quản lý 446 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ gần 589 tỷ đồng, trên 10.900 hộ vay; 174.689 lượt thanh niên được tư vấn việc làm, học nghề; 102.545 thanh niên được tạo việc làm…

 

Tại hội nghị, các đoàn viên thanh niên trao đổi 39 ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, tập trung vào các nhóm vấn đề: Giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; chính sách ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng thanh niên thuộc hộ nghèo, thanh niên gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ; hỗ trợ thanh niên khu vực nông thôn được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp do thanh niên sản xuất ra; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…

Các ý kiến, kiến nghị của thanh niên được Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành giải đáp, trao đổi, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với thanh niên, kịp thời tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên về xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật; cung cấp, phổ biến chính sách, pháp luật đối với thanh niên; giải đáp vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên. Các sở, ban, ngành tiếp thu ý kiến, kiến nghị của thanh niên đã trao đổi tại hội nghị đối thoại, chủ động đề xuất giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của thanh niên, quan tâm thực hiện tốt công tác thanh niên tại đơn vị. Tiếp tục quan tâm thường xuyên đến công tác dạy nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên. Phối hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức Đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh phải thực sự đổi mới trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ, nhất là phương thức tổ chức các phong trào nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên. Đồng thời, giáo dục, bồi đắp cho đoàn viên thanh niên về truyền thống cách mạng, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ như có tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, khát vọng vươn lên…

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tặng Bằng khen cho công dân trẻ tiêu biểu năm 2021.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương 10 công dân trẻ tiêu biểu năm 2021 và chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022).

 
P.V

Họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)

 

Chiều 24/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) tổ chức họp thống nhất một số nội dung triển khai thực hiện Dự án thời gian tới. Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng BCĐ Dự án chủ trì. Tham dự có đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên BCĐ Dự án.

Để triển khai thực hiện Dự án, trên cơ sở rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -  2025, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 89/NQ-HĐND về việc bố trí 4.080 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương. Đến nay, Dự án hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh 22.698 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 13.182 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng. Giai đoạn 1 vốn ngân sách Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng, chiếm 49,92% tổng mức đầu tư; vốn nhà đầu tư và các nguồn vốn khác 6.602 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa báo cáo tại cuộc họp.

UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Theo đó, chiều dài của tuyến 121,06 km, tăng 6 km; thời gian thực hiện, giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025; nhu cầu sử dụng đất khoảng 727,48 ha; bổ sung cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành văn bản yêu cầu UBND tỉnh giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên.

Ngày 24/2/2022, tại Hà Nội, UBND tỉnh và liên danh các nhà đầu tư: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án. Các dự án tạo nguồn lực thực hiện cao tốc gồm: công tác tài trợ lập Đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung thành phố Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư các dự án khu đô thị tại thành phố Cao Bằng; các dự án bất động sản khu công nghiệp, cảng cạn ICD và khu trung chuyển hàng hóa cửa khẩu… tiếp tục hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Theo kế hoạch, việc triển khai thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương và báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án cao tốc, triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến trong tháng 8/2022; kế hoạch triển khai dự án tuyến kết nối cao tốc thực hiện trong 3 năm (2022 - 2024).

Tại cuộc họp, Tổ giúp việc BCĐ đề nghị BCĐ Dự án cho chủ trương về một số nội dung: Đối với công tác GPMB và tái định cư, chỉ đạo UBND các huyện thành lập Hội đồng bồi thường và tái định cư để triển khai công tác đo đạc địa chính sau khi được bàn giao hồ sơ GPMB và mốc GPMB tại thực địa; sớm rà soát, xây dựng phương án tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và tổ chức kiểm đếm ngay khi dự án được duyệt; cho phép triển khai công tác tiếp nhận hồ sơ để trích đo giải thửa và tập hợp, thống kê, trích lục và quản lý quy hoạch. Đối với công tác thẩm định các hồ sơ, đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục làm việc với bộ chủ quản để hỗ trợ thúc đẩy hoàn thành đúng kế hoạch. Với các dự án tạo nguồn lực thực hiện cao tốc, đề nghị chỉ đạo thành lập tổ chuyên trách do đồng chí Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ làm Tổ trưởng để chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đảm bảo công tác huy động vốn cho cao tốc.

Cuộc họp tập trung thảo luận về một số vấn đề liên quan đến huy động nguồn vốn; đánh giá tác động môi trường; hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tiếp tục rà soát quy hoạch bổ sung các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ; sớm triển khai lập bản đồ hồ sơ trích đo trên cơ sở hướng cao tốc đã điều chỉnh; xác định các khu tái định cư tập trung, phân tán; thành lập tổ chuyên trách chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đảm bảo công tác huy động vốn cho cao tốc…

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh phát biểu kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh thống nhất các mốc thời gian triển khai thực hiện Dự án theo nội dung kế hoạch Tổ giúp việc đã đề xuất. Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 31/3/2022. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chỉ đạo đơn vị tư vấn triển khai ngay công tác cắm mốc GPMB ngoài thực địa trên địa phận toàn tuyến, sau đó tổ chức bàn giao cho các địa phương quản lý.

Các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh thành lập Hội đồng bồi thường và tái định cư đo đạc để triển khai công tác đo đạc địa chính sau khi được bàn giao hồ sơ GPMB và mốc GPMB tại thực địa; sớm rà soát, xây dựng phương án tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và tổ chức kiểm đếm ngay khi dự án được duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn các huyện trong việc triển khai các thủ tục để đảm bảo triển khai sớm công tác GPMB; thống nhất khung chính sách đền bù.

HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết bổ sung danh mục Dự án định hướng kết nối cao tốc và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi chủ trương đầu tư Dự án được phê duyệt. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với bộ chủ quản để hỗ trợ thúc đẩy hoàn thành đúng kế hoạch đối với hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Các sở, ngành liên quan bám các bộ, ngành tham mưu cho tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; tuyến kết nối cao tốc cần nghiên cứu thiết kế nền đường, mặt đường…

 
K.X

Viettel Cao Bằng trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố

 

Ngày 23/3, Chi nhánh Viettel Cao Bằng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố tổ chức chương trình trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh các trường THCS trên địa bàn Thành phố hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Viettel Cao Bằng trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh các trường THCS trên địa bàn Thành phố hoàn cảnh khó khăn.

Nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời việc học tập trực tuyến cho học sinh hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gia đình không có khả năng mua trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến, không để học sinh nào phải bỏ học, Viettel Cao Bằng đã trao tặng 20 máy điện thoại thông minh và 20 sim CBG90 trị giá trên 54 triệu đồng hỗ trợ các học sinh có điều kiện học trực tuyến.

Trong những năm qua, Viettel Cao Bằng tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng trên quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai đất nước”. Tại các chương trình “Vì em hiếu học”, “Tiếp sức em đến trường”, Viettel trao trên 11.600 suất học bổng trị giá gần 13 tỷ đồng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố và các huyện trong tỉnh; duy trì đường truyền Internet miễn phí đến trường học, cơ sở giáo dục trên 1 tỷ đồng/năm; ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên 82 triệu đồng.

Đặc biệt vừa qua, Viettel Cao Bằng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 3,2 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 80 căn nhà cho các hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

 
P.O

Tiếp nhận 3,2 tỷ đồng từ Tập Đoàn VIETTEL hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

 

Chiều 21/3, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức chương trình trao kinh phí hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viettel Chi nhánh Cao Bằng.

Các đại biểu tham dự chương trình,.

Tại chương trình, Giám đốc Viettel Chi nhánh Cao Bằng giới thiệu khái quát hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân thông Viettel và công tác an sinh xã hội. Tại Cao Bằng, Viettel đã thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, trao 11.523 suất học bổng “Vì em hiếu học” trị giá 12,8 tỷ đồng; duy trì chương trình “Tiếp sức em đến trường” 5 năm; duy trì đường truyền Internet miễn phí đến trường học, cơ sở giáo dục mỗi năm hơn 1 tỷ đồng; ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” với số tiền 82 triệu đồng; ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả hiện vật và tiền mặt trị giá hơn 1 tỷ đồng. Triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth kết nối Cao Bằng với 1.300 cơ sở y tế trên toàn quốc, xây dựng 700 điểm cầu tại các bệnh viện có các ca bệnh Covid-19...

Hưởng ứng các hoạt động chăm lo cho người nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh và Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ xây dựng 80 nhà ở cho các hộ đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng.

Thừa ủy quyền Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, lãnh đạo Viettel Chi nhánh Cao Bằng trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Với nguồn kinh phí ủng hộ, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng số tiền đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả cao nhất.

Những điều cần biết về bệnh lao và cách phòng tránh

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium- Tubercurosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám sàng lọc bệnh lao lưu động tại xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa. Ảnh: Trọng Th

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có gần 28.000 người mắc và hơn 4.100 người chết vì bệnh lao. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WH0 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhung bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Bệnh lao nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đồng thời giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Vì vậy, người bệnh cần đến khám và làm các xét nghiệm tại phòng khám chuyên khoa lao khi có các dấu hiệu sau:

Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như: gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Các biến chứng do bệnh lao gây ra bao gồm:

Ở phổi: biến chứng do lao gây ra là suy hô hấp, tâm phế mãn, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản, giãn phế nang.

Ở Não - màng não: gây liệt chi, liệt 1 nửa người, động kinh, rối loạn tiền đình.

Ở xương khớp: hủy hoại xương khớp (cột sống, khớp háng, khớp gối...).

Để hạn chế chế các biến chứng do bệnh lao gây ra, ngay khi phát hiện ra mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán chính xác. Việc điều trị lao phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Thuốc điều trị lao được Nhà nước cấp miễn phí.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao

Trong điều trị lao, bệnh nhân lao tuyệt đối không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ 1 ngày vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại.  Phối hợp các thuốc chống lao: mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn), do vậy phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại thuốc trong giai đoạn duy trì.

Dùng thuốc đúng liều: mỗi loại thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định; nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, dùng liều cao dễ gây tai biến. Dùng thuốc đều đặn: các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và uống trước và sau bữa ăn ít nhất 2 giờ để thuốc được hấp thu tốt nhất. Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh  số lượng lớn vi khuẩn để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 - 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn Lao để tránh tái phát.

Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân không tự ngưng thuốc hoặc bỏ thuốc vì uống thuốc không đều đặn, lúc uống  sáng, lúc tối, nhớ lúc nào uống lúc nấy... sẽ giảm hiệu quả điều trị. Vi khuẩn lao rất dễ kháng thuốc lao. Nồng độ thuốc diệt vi khuẩn lao không đủ hiệu lực sẽ tạo cho vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị về sau. Ngoài ra còn tạo nguồn vi khuẩn lao  kháng  thuốc lây lan cho người thân và cho cộng đồng. Trong quá trình điều trị có thể có tác dụng phụ của thuốc lao xảy ra. Nhẹ: nổi mề đay, ngứa, mệt mỏi, đau nhức các khớp lớn (hội chứng giả gút). Nặng: sốc phản vệ, viêm gan, vàng da, đau bụng nôn ói, viêm trợt da. Nếu có những dấu hiện trên, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí.

Dự phòng bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh lây truyền, lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm sang người lành khi tiếp xúc, tuy nhiên bệnh lao có thể phòng và điều trị được.

Phòng bệnh lao là áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao: Giảm nguy cơ nhiễm lao bằng thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường, dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho, khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ; tiêm phòng vắc xin BCG: giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Người tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi cần được đưa đến cở y tế khám lao và điều trị lao tiềm ẩn. Việc điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển bệnh lao.

Đối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV/AIDS, người hút thuốc lá, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, người sử dụng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài như: Corticoid, hóa chất điều trị ung thư… rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao.

Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn. Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc đúng - đủ - đều (đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; đều đặn hàng ngày). 

Chủ đề ngày thế giới phòng chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao. Hãy chung tay hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao.

 

Mai Hoa

Tập đoàn Vingroup tài trợ 5 máy thở chức năng cao cho tỉnh Cao Bằng

Ngày 17/3, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đại diện Tập đoàn Vingroup đã trao tặng 5 máy thở chức năng cao cho tỉnh Cao Bằng để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Đại diện đơn vị cung cấp máy hướng dẫn sử dụng cho y, bác sĩ BVĐK tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Hoà An.

 

Đại diện Tập đoàn Vingroup đã trao 3 máy cho BVĐK tỉnh và 2 máy cho Trung tâm Y tế huyện Hoà An.

Máy thở hồi sức cấp cứu Evita V600, Evita V300 và Savina 300 classic cho phép người sử dụng dễ dàng di chuyển bên trong khu vực bệnh viện; có thể sử dụng cho nhiều bệnh nhân, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn, từ thở không xâm nhập cho đến xâm nhập; có khả năng mở rộng và đa năng, cung cấp chất lượng thông khí cao.

Việc tiếp nhận máy thở chức năng cao do Tập đoàn Vingroup tài trợ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân mắc COVID-19 có diễn biến nặng trên địa bàn tỉnh.

 

Kim Cúc

UBND thành phố Cao Bằng chỉ đạo triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”và Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Bộ Y tế; Quyết định số 2156 ngày 15/11/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

    Theo thông báo số một một bảy ba, ngày 07 tháng 3 năm 2022 của Sở Y tế về việc phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Thành phố Cao Bằng được đánh giá phân loại cấp độ 3 (địa bàn có nguy cơ cao, trong đó có 6 đơn vị xã, phường cấp độ 3, gồm: Sông Hiến, Sông Bằng, Hợp Giang, Tân Giang, Ngọc Xuân, Đề Thám; 4 đơn vị cấp độ 2 gồm: Hoà Chung, Duyệt Trung, Vĩnh Quang, Hưng Đạo và 1 đơn vị cấp độ 1 là xã Chu Trinh. 
        Để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Kinh tế, xã hội năm 2022, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch, kích cầu du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19. 
       Ngày 13/3/2022, Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, phòng ban, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID- 19.
       Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn thành phố Cao Bằng tiếp tục triển khai áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tương ứng theo cấp độ dịch cấp 3 (nguy cơ cao) theo Quyết định số 2156 ngày 15/11/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu:
       - Không tổ chức hội họp, tập huấn, hội thảo quá 50 người, Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp và đảm bảo đầu đủ các biện pháp 5K phòng chống dịch bệnh Covid 19; 100% người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID 19 hoặc có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định. Không tổ chức ăn uống sau khi kết thúc các cuộc họp, hội nghị tổng kết.
      - Đề nghị người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, hạn chế di chuyển vì đang trong vùng dịch nguy cơ cao. Tiếp tục tuyên truyền, vận động yêu cầu Nhân dân khi tổ chức đám cưới, đám hiếu đơn giản, gọn nhẹ đảm bảo nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
      - Từ ngày 15/3/2022, các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn và các hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao được hoạt động theo quy định. Đối với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố được phép mở cửa trở lại.  Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như làm tóc, làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử, phòng tập thể dục, phòng gym, bi a, bể bơi được hoạt động nhưng không quá 50% công xuất. Tuy nhiên khi tổ chức các hoạt động, các đơn vị tổ chức phải có kế hoạch, chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID19 theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;  Bộ Y tế, 100% người lao động phải được tiêm vắc xin đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid -19 và có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.
      + Đối với các dịch vụ ăn uống (Nhà hàng, quán ăn; trà đá vỉa hè; hàng ăn nhanh…) được hoạt động tối đa không quá 50% lượng khách cùng một thời điểm. Chủ nhà hàng, nhân viên phục vụ, người lao động tại nhà hàng, quán ăn phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có xét nghiệm Sát cô vy 2 âm tính còn hiệu lực. 
      + Ban quản lý chợ, các chủ siêu thị, chủ doanh nghiệp bố trí nhân viên (tổ, đội) phân luồng, giãn khoảng cách khách hàng tại cửa ra vào chợ, siêu thị, cửa hàng, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K trong phòng chống dịch COVID -19. Định kỳ đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ hằng tuần cho người lao động theo quy định.
    + Đối với lĩnh vực giáo dục và Đào tạo:  Bậc học mầm non tiếp tục nghỉ học; Các trường Tiểu học và Trung học cơ sở tiếp tục tổ chức học online theo kế hoạch cho tới khi có văn bản mới, chú trọng việc xây dựng phương án học online đảm bảo chương trình, chất lượng giảng dạy và học tập.
     + Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp của Thành phố: Trong thời gian vừa qua, tại một số cơ quan, đơn vị cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở số cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động bị mắc COVID-19 có xu hướng tăng, làm giảm hiệu suất, chất lượng công việc, ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công tác năm 2022. Để khắc phục tình trạng trên, đối với những trường hợp mắc COVID - 19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (vẫn xử lý được công việc) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng hình thức trực tuyến, không để công việc bị tồn, chậm. Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng xử lý công việc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phân công người khác để xử lý công việc không để công việc bị tồn, chậm tiến độ; Nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của người Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường trong công tác tuyên truyền, khuyến khích đến gia đình, người thân, bạn bè không ra khỏi nhà khi không cần thiết để chung tay, góp sức với ngành y tế, với các cấp chính quyền trong giai đoạn cấp bách phòng chống dịch COVID -19.
       Cùng với đó, để thực hiện tốt các biện pháp đạt hiệu quả, Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và Uỷ ban nhân dân 11 phường, xã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đề ra. Đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Cao Bằng và các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội từ thành phố đến phường, xã  tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch COVID - 19 của Thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân bằng nhiều hình thức, để mọi người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, đặc biệt là việc áp dụng yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
       Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID - 19, đặc biệt là trong thời gian gần đây số ca nhiễm Covid 19 liên tục tăng nhanh, trong khi các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh của thành phố Cao Bằng còn nhiều khó khăn, lực lượng y tế mỏng. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và toàn thể nhân dân thành phố Cao Bằng phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Bùi Toàn (T/h)

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khảo sát Dự án bờ kè trái sông Hiến

Sáng 9/3, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát Dự án bờ kè trái sông Hiến, phương án xây dựng cầu nối phường Sông Bằng với phường Hợp Giang (Thành phố). Cùng đi có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác khảo sát phương án xây dựng cầu cạn thuộc Dự án bờ kè trái sông Hiến (Thành phố).

Đoàn khảo sát thực tế phương án xây dựng cầu cạn thuộc Dự án bờ kè trái sông Hiến, đoạn qua chân cầu Sông Hiến; khảo sát phương án thiết kế cầu nối phường Sông Bằng và phường Hợp Giang; tiến độ thực hiện Dự án phố đi bộ ven sông Bằng Giang.

Dự án bờ kè trái sông Hiến được xây dựng từ năm 2017 với tổng mức đầu tư trên 119 tỷ đồng, chiều dài 2 km, đến nay đã thi công xong phần kè bê tông cốt thép, lan can, các hệ thống thoát nước, nền đường. Đối với đoạn dưới chân cầu Sông Hiến dài 248 m, để đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ và cảnh quan, Thành phố xin đổi phương án thi công từ kè bê tông trọng lực sang thiết kế cầu cạn.

 Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị đối với phương án xây dựng cầu cạn thuộc Dự án kè bờ trái sông Hiến, Thành phố tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế xem xét, tính toán thiết kế mở rộng thêm mặt cầu cạn để ô tô con có thể đi được trong những trường hợp đặc biệt, phương án thiết kế thi công phải đảm bảo mĩ thuật, an toàn, đúng tiêu chuẩn.

Đối với Dự án phố đi bộ ven sông Bằng, Thành phố tiếp tục phối hợp, đốc thúc đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của tuyến phố đi bộ, phấn đấu hoàn thành để kịp phục vụ mở cửa du lịch trong thời gian tới.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác khảo sát phương án xây dựng cầu nối phường Sông Bằng với phường Hợp Giang.

Đối với phương án xây dựng cầu nối phường Sông Bằng với phường Hợp Giang, giao Thành phố lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế chuyên về cầu đủ năng lực lên phương án thiết kế, đảm bảo các mục tiêu đầu tư như: kết nối giao thông, phát triển khu đô thị Nà Cạn, tạo cảnh quan đô thị.

Phản ánh mới

Phản ánh khẩn

Phản ánh lấn chiếm sử dụng đất

Tôi có nhà số 002, tổ 4 đường Lý Tự Trọng, phường Hợp Giang. Tôi muốn sửa chữa mở cửa đi lại nên nhiều lần yêu cầu bà Huyền ( số nhà 068, tổ 4, phường Hợp Giang) là hàng xóm sát nhà tháo dỡ mái hiên đang gắn vào nhà tôi. Nhưng bà Huyền kêu vỉa hè này là đất của bà Huyền ( chủ nhà cũ là chị ruột bà Huyền xác nhận với tôi đó là vỉa hè nhà nước, và trên sổ đỏ của tôi cũng hiển thị là vỉa hè 3.9m). Tôi yêu cầu bà Huyền đem sổ đỏ ra nhưng bà Huyền bảo không có. Ngang nhiên bán cà phê và bánh cuốn ở trên vỉa hè, đào vỉa hè trồng cây cảnh. Tôi đã lên phường phản ánh từ 16/3, chờ đợi sự giải quyết từ phường nhưng không nhận được phản hồi nào. 17/4 tôi lên hỏi cán bộ phường về việc này, nhưng trả lời tôi rất hời hợt, không rõ ràng. tôi không biết phải chờ đợi đến bao giờ khi mà bà Huyền đã có hành động cầm dao đe doạ tôi. “Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt việc sử dụng vỉa hè trước cửa nhà người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với cá nhân; 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng với tổ chức. Bên cạnh đó, người có hành vi sử dụng vỉa hè trước cửa nhà người khác còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu do hành vi vi phạm hành chính gây ra.” Vậy việc bà Huyền cố tình ngồi bán hàng trước cửa nhà tôi có được xử lý không? Đề nghị UBND thành phố giải quyết triệt để giúp tôi vì mua nhà mà tôi không vào ở được, sống trong lo sợ vì bị chửi bới và đe dọa giết của bà Huyền. Tôi không tranh chấp đất đai với bà Huyền vì vỉa hè là của nhà nước. Tôi chỉ muốn có quyền sử dụng chính đáng như mọi người dân khác đối với vỉa hè trước cửa nhà tôi. Tôi xin chân thành cám ơn.

22/05/2023 14:00

Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng, Việt Nam
Phản ánh khẩn

Thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai

kính gửi ubtp . hiện nay tôi thấy mỗi lần đi làm giấy tờ về đất đai ở bộ phận 1 cửa. thường xuyên phải đợi chờ rất lâu có khi xếp hàng cả ngày rồi mà chưa đến lượt. nên tôi mong ubtp sắp xếp thêm cán bộ tiếp nhận hồ sơ để đỡ gây tắc nghẽn , giảm tải.đỡ tốn thời gian chờ đợi của nhân dân hơn ạ. t xin cảm ơn

05/05/2023 09:12

TP Cao Bằng
Phản ánh khẩn

Trật tự

Kính gửi phường Hợp giang, qua quan sát tôi thường xuyên thấy tại quán cà phê của bà H địa chỉ 068, tổ 04 phố Hiến giang, phường Hợp Giang, khách đến uống cà phê thường xuyên đỗ xe ngay khu vực ngã tư đường, đỗ trên lối đi dành cho người đi bộ qua đường cả buổi sáng có khi cả ngày, do đó , gây mất tầm nhìn cho người dân khi tham gia giao thông nhất là trong giờ tan tầm vì đây là khi vực gần trường học , dễ dẫn đến tai nạn . Kính mong uỷ ban phường có phương án nhắc nhở xử lý .

14/04/2023 08:36

TP Cao Bằng
Phản ánh bình thường

An ninh trật tự

trồng đk ít rau để phục vụ cho gia đình mà lần nào cũng bị trộm thế này thì giải quyết sao ạ nhà mjh bị trộm rất nhiều lần cả rau lẫn ngô rồi ạ,mong chính quyền tìm giải pháp khắc phục ạ

03/04/2023 14:30 1

Xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng, Việt Nam
Phản ánh bình thường

Xe chở bã sắn

gần đây các xe tải chở bã sắn thường xuyên đi các khung giờ : 9h - 10h - 11h trưa và 16h - 17h - 18h chiều, đi từ hướng Duyệt Trung về TP qua đường 3/10, đi qua đường Lê Lợi ( suối củn ), xe vận chuyển bã sắn đã không che chắn kỹ làm nước của bã sắn bên trong xe tràn ra đường rất nhiều, mùi hôi thối của nước từ trong xe chở bã sắn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân trên khắp trục đường mà xe đi qua. đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và sử lý triệt để vấn đề này để người dân chúng tôi là những cư dân sinh sống trên tuyến đường mà xe làm chảy nước hôi thối của bã sắn được có 1 môi trường trong sạch ! vấn đề này khi phỏng vấn những người dân trên tuyến đường có xe đi qua mà phải chịu đựng mùi hôi thối này đều rất bức xúc. rất mong cơ quan chức năng sử lý sớm vấn đề này ! mời các cơ quan chức năng đến khảo sát tuyến đường từ Chu Trinh lên qua 3/10 qua suối củn đi vào miền đông theo khung giờ trên để nắm bắt tình hình đúng thực trạng!

03/04/2023 14:29

Phường Sông Bằng, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng, Việt Nam
Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm